TOP 3 dự án tiềm năng trong hệ sinh thái Babylon – Bitcoin
04/11/2024Tổng quan về Babylon
Babylon là gì?
Babylon là blockchain Proof-of-Stake (PoS) được xây dựng trên Cosmos SDK. Đây là dự án đầu tiên cho phép stake đồng Native Bitcoin – Bitcoin phiên bản gốc và dùng nó để tăng cường bảo mật cho các chuỗi PoS khác.
Dự án đã huy động thành công 88 triệu USD sau 4 vòng gọi vốn với rất nhiều quỹ tier 1 như Paradigm, Polychain Capital, Binance Labs, Hack VC….
Babylon giải quyết vấn đề gì?
Vấn đề nan giải của các blockchain PoS hiện tại là bảo mật, khi giá trị của các token stake vào mạng lưới quá thấp dẫn đến giá trị tổng thể của mạng lưới thấp theo => Điều này tạo điều kiện cho Hacker tấn công.
Đội ngũ Babylon nhìn ra vấn đề này và họ đã tận dụng lượng BTC nhàn rỗi khổng lồ trên thị trường để “xuất khẩu BẢO MẬT của Bitcoin” cho các blockchain PoS khác.
- Babylon: Việc cho phép stake BTC vào validator => Tăng giá trị mạng lưới Babylon => Babylon sẽ chạy song song hỗ trợ bảo mật cho khách hàng => Việc tấn công vào các blockchain PoS sẽ trở nên khó khăn hơn.
- Bên sử dụng: Các blockchain mới ít validator hay giá trị mạng lưới thấp có thể sử dụng dịch vụ của Babylon để gia tăng bảo mật.
- Bên cung cấp: Người nắm giữ BTC nay sẽ có thêm lợi nhuận thay vì chỉ nắm giữ và chờ giá tăng.
Chính xác là Babylon đã khai thác 3 khía cạnh độc nhất của Bitcoin bao gồm:
- Dịch vụ Timestamping.
- Không gian khối (Blockspace).
- Giá trị của BTC.
Vậy Stake Bitcoin bằng cách nào? Có 2 công nghệ cốt lõi của Babylon mà bạn cần nắm rõ:
- Babylon’s Bitcoin Timestamping Protocol (BBTP).
- Babylon’s Bitcoin Staking Protocol (BBTS).
Babylon’s Bitcoin Timestamping Protocol
Bitcoin Timestamping là gì?
Đây là yếu tố chính giúp cho các Babylon có thể “đóng gói bảo mật và sự phi trập trung của Bitcoin” đến với các PoS blockchain khác.
Timstamping là một tính năng đặc biệt trên mạng lưới Bitcoin. Nó sẽ “đóng” 1 “con tem thời gian” lên dữ liệu ở trong khối (Block) của Bitcoin, và khi block đó được hoàn thành -> Timestamping sẽ không thể thay đổi.
Timestamping là duy nhất và bất biến:
- Nếu như có một hành vi xấu diễn ra, các dữ liệu “được đóng dấu” trong các block đã hoàn thành sẽ được dùng để làm bằng chứng, chống lại các cuộc tấn công đó.
Babylon’s Bitcoin Timestamping Protocol hoạt động như nào?
Sau khi hiểu được Timestamping “lợi hại” như thế nào thì lúc này, bạn sẽ hiểu thêm về cách Babylon đưa công nghệ này đến với các PoS chain ngoài kia.
- Bitcoin sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm cho việc “đóng” dấu thời gian cho các dữ liệu.
- Babylon sẽ là người ở giữa đưa các dữ liệu của khách hàng (PoS chain) lên trên Bitcoin thông qua giao thức của mình (BBTP).
Khi dữ liệu được ghi nhận và đóng dấu trên Bitcoin => Thừa hưởng bảo mật từ mạng lưới blockchain an toàn nhất thế giới.
Babylon’s Bitcoin Staking Protocol
Việc cố gắng tận dụng BTC không mới, nó đã xuất hiện với nhiều hình thức khác trước đây:
- WBTC – Phiên bản BTC trên Ethereum, được bảo chứng 1:1 với BTC (Wrapped – Bọc)
- Gửi BTC vào Vault (kho lưu trữ) của dự án A sau đó nhận về dạng phái sinh xBTC. (Bridge – Thường được các Hacker nhắm đến.)
- Stake, thế chấp BTC trên sàn giao dịch. (Custody – Bên thứ 3 năm giữ)
Tuy nhiên đây đều là những phương án thực sự rủi ro đối với các “cá voi” BTC. Vậy nên Babylon đã có những “bước tiền về mặt công nghệ” khi cho phép người dùng stake native Bitcoin trên các Validator của mình.
Để hiểu hơn về cách Babylon triển khai Staking Bitcoin, mời bạn đọc thêm:
Tuy nhiên khi stake BTC vào validator của Babylon, bạn sẽ không nhận được bất kì dạng tài sản bảo chứng nào. Điều này trái ngược với staking ETH:
- Stake ETH vào Lido nhận về stETH với tỉ lệ 1:1.
- Stake ETH vào Rocket Pool nhận về rETH với tỉ lệ 1:1.
Từ nhu cầu đó, đã xuất hiện thêm những dự án Liquid Staking trên Bitcoin với mô hình hoạt động:
- Thông thường: Bạn stake Bitcoin vào Babylon và chỉ dừng ở đó.
- Liquid Staking: bạn gửi BTC vào các giao thức Liquid Staking => Dự án sẽ mang BTC của bạn đi stake vào Babylon => Đưa lại cho bạn một dạng BTC phái sinh được bảo chứng với tỉ lệ 1:1 với số BTC mà bạn stake vào dự án.
Việc các dự án Liquid Staking ra đời đã mang tới cho người dùng thêm 2 cơ hội:
- Airdrop: Thay vì chỉ nhận airdrop từ Babylon, giờ đây bạn lại nhận thêm từ các giao thức Liquid Staking nếu stake BTC vào đó.
- DeFi: Stake BTC vào các giao thức Liquid Staking giúp bạn nhận về 1 loại tài sản đảm bảo (VD: xBTC). Dùng xBTC tham gia vào các hoạt động DeFi để kiếm thêm lợi nhuận.
TOP 3 dự án tiềm năng trong hệ sinh thái Babylon
Về cơ bản mô hình hoạt động của các dự án Liquid Staking xung quanh Babylon giống nhau đến 95% với khung mẫu sau:
- Bước 1: Người dùng gửi BTC vào giao thức.
- Bước 2: Dự án stake BTC vào Babylon và trả lại cho người dùng xBTC.
- Bước 3: xBTC có thể được dùng để tham gia DeFi…
Điểm tạo ra sự khác biệt giữa các dự án nằm ở yếu tố công nghệ hoặc các tổ chức đầu tư vào dự án đó.
Lombard Finance – Dự án được chính Babylon hậu thuẫn
Chưa cần bàn nhiều về mặt sản phẩm, việc kêu gọi được 16 triệu USD tại vòng Seed với sự dẫn đầu của Polychain cùng với các tên tuổi khác như Franklin Templeton, Robot Ventures, OKX Ventures hay đặc biệt là Babylon đã đủ khẳng định được vị thế của dự án trong cuộc chiến Liquid Staking trên Bitcoin.
Cơ chế hoạt động:
- Bước 1: Bạn gửi BTC của mình vào giao thức để stake và nhận về LBTC với tỉ lệ 1:1 với số BTC đã đưa vào giao thức..
- Bước 2: BTC sẽ được Lombard đưa vào Babylon để Staking.
- Bước 3: Bạn có thể sử dụng LBTC để giao dịch, thế chấp vay ra stablecoin, thêm thanh khoản để kiếm thêm lợi nhuận…
Bên cạnh đó bạn cũng sẽ nhận được thêm Lombard Points, đây sẽ là cơ sở để “húp” airdrop sau này từ dự án.
Lorenzo Protocol – Dự án được Binance Labs đầu tư
Lorenzo là dự án Liquid Staking với những cải tiến trong sản phẩm của mình. BTC khi gửi vào nền tảng sẽ được chia ra làm 2 loại token thay vì 1 LST (Liquid Staking Token) như các dự án khác:
- Bước 1: Bạn gửi BTC vào ví lạnh của Lorenzo.
- Bước 2: Bạn nhận về Liqid Principal Tokens (LPY) – Đại diện cho tài sản gốc và Yield Accuring Tokens (YAT) – Đại diện cho lợi nhuận từ Staking.
- Bước 3: Trong trường hợp muốn nhận lại BTC, bạn chỉ cần đốt đi LPY, điều này tương tự với YAT.
Việc tách ra làm 2 loại token sẽ giúp người dùng có đa dạng lựa chọn hơn trong việc tối ưu lợi nhuận của mình.
Trong giai đoạn Mainnet 1, Lorenzo đã thành công stake gần 130/250 BTC, số BTC còn lại dự kiến sẽ được gửi vào giai đoạn 2 của Babylon.
Dự án đã thành công nhận được sự đầu tư từ Binance Labs, MH Ventures, NGC Ventures với số tiền không được tiết lộ.
Solv Protocol – Dự án nhận được sự chú ý từ nhiều quỹ lớn
Solv là nền tảng hỗ trợ người dùng tạo ra lợi nhuận thông qua các chiến lược của dự án. Nền tảng hỗ trợ rất nhiều đồng coin khác nhau trên đa dạng blockchain.
Cơ chế hoạt động của Solv cũng khá đơn giản khi người dùng sẽ gửi tài sản vào giao thức và nhận lại một LST (Liquid Staking Token).
Đối với BTC, người dùng có thể gửi Bitcoin của mình vào dự án và nhận về SolvBTC để có thể tham gia DeFi nhằm tối ưu hóa lợi nhuận.
Dự án đã huy động được 11 triệu USD sau 5 vòng gọi vốn trong đó nổi bật cái quỹ như Binance Labs, Spartan, IOGS Ventures, Mirana Ventures…
Tiềm năng và thách thức
Hệ sinh thía Babylon và các giao thức Liquid Staking xung quanh nó là một câu chuyện hay và cung cấp những giải pháp thực tiễn cho thị trường. Tuy nhiên Babylon chưa đi vào hoạt động, vậy nên doanh thu từ khách hàng như thế nào chúng ta chưa rõ.
Cơ hội duy nhất bây giờ đối với chúng ta đó là gửi BTC và săn airdrop từ các dự án này. Tuy nhiên một vấn đề đặt ra là BTC hiện tại giá đã khá cao và với các nhà đầu tư nhỏ lẻ vốn thấp thì việc cạnh tranh với các “cá voi” trong cuộc đua airdrop lại càng thiệt thòi.
Việc tối ưu nhất hiện tại có lẽ là theo dõi cách các dự án hoạt động và tìm kiếm cơ hội đầu tư khi chúng ra token.
Hướng tích cực:
- Babylon: Tạo ra doanh thu lớn => Staker được chia sẻ lợi nhuận lớn => Tạo ra câu chuyện FOMO => Nhiều người Stake hơn, mạng lưới bảo mật hơn => Khách hàng sử dụng nhiều hơn => Babylon lại kiếm nhiều tiền hơn.
- Liquid Staking Protocol: Nhu cầu stake vào Babylon lớn => Các dự án đóng vai trò mắt xích mở khóa thanh khoản cho người dùng có nhu cầu tối ưu lợi nhuận.
Hướng tiêu cực:
- Babylon: Doanh thu thấp => Staker không nhận được lợi nhuận hấp dẫn => Ít người stake hơn, mạng lưới bảo mật thấp theo => Ít khách hàng => Các dự án Liquid Staking kém hấp dẫn theo.
- Rào cản: Không gian lưu trữ trên Bitcoin rất hạn chế (mỗi khối chỉ chứa 1MB dữ liệu) khi nhiều chuỗi cùng ghi dữ liệu lên blockchain Bitcoin có thể gây tắc nghẽn mạng và tăng phí giao dịch.
Câu chuyện ở đây được đặt ra nếu Babylon muốn đi dài là:
- Thu hút được người nắm giữ BTC với lãi suất staking ổn.
- Babylon phải vận hành mọi thứ ổn định và bảo mật.
Nếu mọi thứ đi đúng kế hoạch và tốt đẹp thì một lượng lớn LST từ các Liquid Staking Protocol sẽ thúc đẩy các hoạt động DeFi một cách mạnh mẽ.
Lombard sẽ là dự án đang chú ý nhất trong cuộc chiến thị phần với số vốn huy động khủng, cũng như sự “chống lưng” về mặt công nghệ từ Babylon.